Ý nghĩa: Tình yêu nồng nàn
Nói đến hoa sữa, người Hà Nội ai mà không tự hào. Không biết đã có bao nhiêu thơ văn, thi nhạc đổ và hoa sữa mà kể. Thi sĩ Hà Nội luôn ca ngợi về mùi hương nồng nàn của hoa sữa như thể là một loài hương tuyệt đỉnh nhất của loài người.
Nói đến hoa sữa, người Hà Nội ai mà không tự hào. Không biết đã có bao nhiêu thơ văn, thi nhạc đổ và hoa sữa mà kể. Thi sĩ Hà Nội luôn ca ngợi về mùi hương nồng nàn của hoa sữa như thể là một loài hương tuyệt đỉnh nhất của loài người.
Vậy nhưng, cũng cây hoa ấy, cũng mùi hương ấy, ở cái thành phố này lại bị con người coi như là là một mối đe dọa kinh khủng.
Chuyện là trong khu tập thể, có cái ông vốn dĩ gốc gác là người Hà Nội, được cử làm chủ tịch công đoàn bộ phận. Sau khi phê duyệt được cái dự án xây dựng sân bóng mi ni, ông cho trồng vòng quanh sân những mười cây hoa sữa. Dưới vòng sữa ấy là một lối đi lát bằng gạch đỏ điệu đà, nhỏ hẹp, chỉ đủ để hai người có thế nắm tay nhau sánh đôi dạo bước đêm về, không hơn không kém. Người sống trong khu phố thì lấy đó làm con đường thể dục mỗi sáng và mỗi tối. Cảnh tượng vẽ ra thật thơ mộng, người trồng cây cũng tự hào vì đã đem đuợc hương sắc Hà thành vào tận miền Nam. Những cây hoa sữa không phụ lòng người trồng, lớn nhanh như thổi, chỉ khoảng hơn một năm sau là bắt đầu có hoa. Khi cây đầu tiên lác đác nở những bông hoa, bà con háo hức đón nhận, gọi nhau dạo bộ sớm hơn, về muộn hơn để được ở lại với hoa sữa lâu hơn…
Nhưng rồi vào mùa, một cây nở, lại hai cây, ba cây…cả mười cây cùng đua nhau nở, mà không như ở HN, hoa sữa chỉ nở về cuối thu, lúc thời tiết đã chuyển mùa se lạnh, hương sữa vốn nồng nàn nên làm ấm áp bầu không khí. Còn như ở cái thành phố này, hoa sữa có nụ từ cuối hè và nở liên tục cho tới giáp tết nguyên đán, vẫn còn vài cây lác đác hoa. Khi mùa hoa nở rộ, cũng là nhằm vào đầu mùa gió chướng. Sự nồng nàn đã trở nên quá thể nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của gió chướng. Người trong phố bắt đầu khó chịu, nhưng bởi mùa đầu hoa nở thưa lác đác, nên cũng chỉ mới là sự phản ứng nhẹ nhàng. Sang đến mùa sau, hoa sữa nở dữ dội hơn, nặng những cành trắng là trắng trĩu cả hết thì thôi. Có lẽ hoa sữa cứ vô tư tưởng rằng càng nồng nàn bao nhiêu, càng làm cho con người say mê bấy nhiêu. Nó không hề biết rằng, sự vô tư ấy đã trở thành vô duyên mất rồi. Con người thay đổi tình cảm từ yêu đến khó chịu, rồi ghét cay ghét đắng hoa sữa. Nhiều người kêu nhức đầu, mất ngủ vì mùi hương quá nồng nặc. Tất nhiên, ông chủ tịch công đoàn sẽ là người bị kêu ca nhiều nhất. Họ đến tận nhà ông gõ cửa, yêu cầu ông phải chặt bỏ những cây hoa sữa và thế vào đó bàng và ngọc lan - loài hoa của miền không có mùa đông. Nhưng ai cũng biết, người Hà thành xưa nay vốn kiêu kỳ và bảo thủ, ông khinh khỉnh cho rằng “nhà quê thì cái gì cũng quê, hoa thơm thế, bao nhiêu nhà thơ, nhà văn ca ngợi thế mà còn chê được!”.
Chuyện gì phải đến thì sẽ đến, vào một đêm tối trời, không biết ai đó đã cưa sạch hết chín gốc hoa sữa, không những thế họ còn đổ dầu lửa vào gốc để cho gốc chết. Ông chủ tịch ngậm bồ hòn không nói năng chi…
Vô tư và ham khoe mình là bản chất khó đổi thay của hoa sữa, nó chẳng quan tâm đến đồng loại chết vì sao, đến mùa sau lại nở trắng bông. Người tản bộ bỏ thói quen tính vòng, họ cứ đi hết ba cạnh của ô bàn cờ là quay ngược lại, họ đi như thế để không phải đi ngang qua dưới tán hoa. Còn hoa sữa thì lại không hề nghĩ mình cô đơn, bị người đời ghẻ lạnh, cứ vô tư mà nở, mà tỏa hương hết mình, mỗi năm mỗi trĩu cành thêm. Cho đến trưa hôm qua, người đi đường thấy ông chủ tịch một mình hì hục cưa đổ nốt cây còn lại thì mới ngạc nhiên dùng lại hỏi:
- Sao bác đào cây một mình giữa trưa thế?
- Phải làm thôi, cô bác nhìn nụ của nó đi thì sẽ biết, năm nay hoa của nó sẽ nở nhiều gấp rưỡi năm trước. Nếu tôi không chặt thì rồi bà con cũng sẽ chặt thôi mà. Thôi thì nó chỉ nồng nàn với người HN, ta trả nó về với tình yêu của người HN. Theo cô bác thì từ truớc tới nay, có phải văn sĩ thi nhân Hà Thành đã nói quá về loài hoa của mình?
- Dạ nghĩ ra thì cũng có chút chút, còn thì mỗi con người chỉ hợp với một mùi hương riêng, mỗi miền cũng vậy, có đặc trưng riêng của miền mình. Hoa sữa ở HN nở vào lúc mùa đã chuyển vào se lạnh, mùi hương nồng nàn làm cho không khí ấm lên. Giá bác đừng chặt cái cây cuối cùng này đi, mà cứ để nó đứng đó, mỗi năm chịu khó tỉa bớt cành, bớt nụ, còn lại thoang thoảng thôi, thì cái nồng nàn của người HN đã bền lại được với miền Nam rồi, đâu đến nỗi tuyệt tình như thế!
“Tóc gió thôi bay” ở đâu thì cứ thôi, còn hoa sữa thì vẫn không bao giờ thôi nở. Sức sống của nó thật mãnh liệt, dù con người cưa đứt thân mình, đổ dầu lửa, những muốn hủy diệt gì gì đi chăng nữa. Rễ cây đã bám sâu vào lòng đất, những chiếc chồi non lại nhú lên từ tấm thân đầy thương tích và…vẫn không thôi nhiệt tình tỏa hương khi mùa thu tới. Tất nhiên là trải qua một cuộc chiến tranh với con người, thân cây không còn sức mạnh để khoe sắc trắng một cách trĩu cành như trước. Thưa thớt nở thì đồng nghĩa với việc không thể khoe sắc, khoe hương một cách mỹ mãn, hoa sữa đương nhiên là buồn rồi, nhưng nó phải chấp nhận thôi, bởi con người thích thế, thích hoa phải man mác buồn mới chịu bằng lòng. Vài hôm nay, đã có vài người chịu bước qua tán hoa, ấy là để cho đủ bốn cạnh của ô bàn cờ, để tính vòng thể dục theo thói quen ấy mà…
24.7.2007
TB: Có một người, sau khi Phlanhoa đăng bài này lên Blog, đã không chịu như thế, bởi vì người đó cũng từng mê làm thi sĩ Hà Thành. Một ngày nọ, lữ khách cất công đến xứ này (chắc là vì tò mò). Con đường tôi đưa người lữ khách đi qua, thảng mùi hoa sữa, dù lúc đó chỉ mới đầu thu. Chạy vòng vèo, trở đi trở lại những mấy lần, vẫn không nhìn thấy cây hoa ở đâu. Tôi nói với lữ khách, chốn này hoa sữa không cần bên cạnh con đường mình đi như ở Hà Thành đâu. Hoa cứ ở xa xa, rồi cậy nhờ gió chướng mà khoe hương, sẽ giữ cho mình được bền lâu hơn với tình yêu con người. Tôi chỉ vào gốc sữa bị cắt ngang, lữ khách lẳng lặng nhìn, rồi lảng quay đi, không biểu lộ cảm xúc, và cũng không một lần còn quay lại nơi này, hay nhắn tin để xem cây hoa sữa bây giờ thế nào rồi.
Dù thế, dù con người cư xử thế này thế kia, có người yêu hoa sữa đắm say, có người những ghét cay ghét đắng, lại có người không nói năng chi. Dù vậy thì hôm nay, hương sữa lại đang quay về để phiêu diêu vào đêm thu, báo cho con người biết rằng vẫn nồng nàn. Vẫn vậy không thôi…
No comments:
Post a Comment