06/01/1946
TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ.
Cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù phải đối phó với nhiều âm mưu và hành động của thù trong giặc ngoài để bảo vệ chính quyền non trẻ, Đảng ta vẫn chăm lo xây dựng nền dân chủ nhân dân. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 06/01/1946. Lần đầu tiên mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, tín ngưỡng được hưởng quyền bầu cử và ứng cử, theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bình đẳng, bỏ phiếu kín. Tình hình trong nước lúc ấy rất phức tạp nhưng 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Mặt trận Việt Minh đã giành thắng lợi với 230 ghế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất.Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các nước Châu Á có một Quốc Hội dân chủ, tiến bộ. Quốc hội khoá I đã lập ra Chính phủ đầu tiên của nước ta, bảo vệ và củng cố nền dân chủ nhân dân, thông qua Hiến pháp đầu tiên và dẫn dắt nhân dân ta kháng chiến thắng lợi, tiến hành cách mạng ruộng đất, xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân, xây dựng đời sống mới độc lập tự do hạnh phúc.
09/01/1950
NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM.
Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950 phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chúng “ độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ… đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc. Tại Saì Gòn, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức : biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi công ăn việc làm. Học sinh, sinh viên bãi trường, bãi khóa liên miên.
Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh , sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt – trong đó có Ban lãnh đaọ học sinh cứu quốc Saì Gòn. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương ra đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ, bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó.
Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950 đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù.
Bài điếu văn trong buổi lễ tang có câu :
“ Ai chết vinh buồn chăng ?
Ai sống nhục thẹn chăng ?”
Những câu hỏi đó cứ vang mãi trong những tháng năm đen tối của đất nước, thúc giục bao thế hệ trẻ noi gương Trần Văn Ơn, quên mình xông lên phía trước.
Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950 tại căn cứ địa Việt Bắc đã lấy ngày 09/01 làm ngày truyền thống hàng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt.
27/01/1973
KÝ HIỆP ĐỊNH PARI CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM
Ngày 27/01/1973, tại Pari, Bộ trưởng ngoại giao Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam cùng với các bộ trưởng ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính quyền Sài Gòn đã ký hiệp định về “ Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nghị định thư kèm theo”. Nội dung chủ yếu của hiệp định đó là :
-Hoa Kỳ cùng các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam
-Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu đến quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền nam Việt Nam.
-Các bên để cho nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do.
-Các bên công nhận thức tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.
-Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.
Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất cuả nhân dân ta trên cả hai miền đất nước, mở ra bước ngoặc mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cưú nước của nhân dân ta, cũng là thắng lợi to lớn của các lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
No comments:
Post a Comment