- 1/12
Ngày thế giới phòng chống AIDS
Nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là HIV/AIDS) đang là một đại dịch nguy hiểm, một hiểm hoạ cho sức khoẻ, tính mạng con người trên thế giới vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Đại dịch AIDS còn gây ra hậu quả trầm trọng về kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia và tương lai nòi giống các dân tộc. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh về AIDS tại Paris, Pháp đã tuyên bố: “Đưa công cuộc phòng chống AIDS lên vị trí ưu tiên, huy động toàn xã hội, các ngành của nhà nước, tư nhân, các hội, kể cả những người nhiễm HIV/AIDS tham gia vao các hoạt động đa ngành, liên Chính Phủ, phi Chính Phủ, các phong trào liên kết nhằm phòng chống đại dịch….., xây dựng một thế giới không có AIDS”.Vì ý nghiã quan trọng của hội nghị, ngày 1/12 hàng năm đã được chọn là ngày thế giới phòng chống AIDS.
Tại Việt Nam, tình hình nhiễm HIV/AIDS đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại (tính đến ngày 30/0/2001 cả nước có 41.622 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS có 6.251 ca, số tử vong là 3.426người). Trong những năm qua, ngành y tế nói chung và cán bộ y tế nói riêng đã cùng với các ngành các cấp có những đóng góp đáng kể trong việc phòng chống HIV/AIDS. Song muốn làm tốt công tác này trước hết cần xã hội hoá để mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội được trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia tự nguyện của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn đại dịch.
- 19/12/1946
Sau cách mạng tháng tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thục hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Bội ước hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và thoả ước 19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội.
Ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung Ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.
Ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng. nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”
Đáp lời kêu gọi cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Quân và dân cả nước cũng đã vùng lên kháng chiến và giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc ta.
- 22/12/1944
Đầu năm 1941, chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Người chủ toạ hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ 8 tại Pắc Bó. Hội nghị quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh hội” gọi tắt là Việt Minh, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang để chuẩn bị tranh thủ thời cơ, đi từ “khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn giành chính quyền trong cả nước”.
Sau hội nghị ấy, đội du kích Bắc Sơn đổi tên là cứu quốc quân. Ngày 15/9/1941, trung đội cứu quốc quân 2 được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Vũ Nhai, tỉnh Lạng Sơn. Đầu năm 1944, căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai mở rộng sang châu Sơn Dương (Tuyên Quang) và trung đội cứu quốc quân 3 được thành lập ngày 25/2/1944 ở Khuổi Kịch, Sơn Dương (Tuyên Quang).
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến mau lẹ. Hồng Quân Liên Xô chuyển sang phản công thắng lợi trên nhiều măt trận. Tháng 8/1944, Trung Ương Đảng kêu gọi nhân dân “cầm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi khắp nơi. Cuối năm 1944, nhân dân vùng Cao – Băc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.
Tháng 10/1944, sau một thời gian ở nước ngoài, chủ tịch Hồ Chí Minh về nước chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng. Người nói: “thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên.”
Để đáp ứng yêu cầu đó, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong chỉ thị ghi rõ: “Tên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ các du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực…
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ nó rất vẻ vang….nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước chúng ta…”
Chấp hành chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại châu Nguyên Bình, Cao Bằng, trong một khu rừng nằm giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo. Trung Ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức lãnh đạo và tuyên bố thành lập Đội. Đội gồm 34 người (có 3 nữ) chi thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Vũ khí gồm có 34 khẩu súng các loại. Sau lễ thành lập, toàn đội đi ăn một nữa cơm nhạt, không rau không muối để tượng trưng cho tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1990, theo nghị quyết số 2 bộ chính trị, ngày 22/12 hàng năm trở thành ngày hội quốc phòng toàn dân.
No comments:
Post a Comment